Tuesday, May 13, 2014

Người Việt phải tự đi trên đôi chân của chính mình

Quan hệ Việt - Trung sẽ đi tới đâu nhỉ?

Từ trước tới giờ chúng ta hay tung hô nhiều khẩu hiệu về tình hữu nghĩ giữa hai nước. Và Việt Nam hiện vẫn đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa, một con đường mà Đông Âu và Liên Xô đã nhận thấy không còn phù hợp từ lâu. Có lẽ bởi một điều, bên cạnh chúng ta có anh bạn láng giềng XHCN. Nhưng giờ có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên thay đổi chăng?

Người Việt phải tự đi trên đôi chân của chính mình
Mấy ngày qua, tình hình Việt-Trung khiến mình liên tưởng đến một vài kinh nghiệm của bản thân. Đây là một chuyện rất đơn giản, nhưng thấy giống với Việt Nam bây giờ.
Làm việc tại nhà máy sản xuất xe nâng trong công nghiệp tại Nhật Bản, thường thì ngồi làm trên văn phòng, nhưng khi có việc hoặc xảy ra sự cố trong xưởng thì phải cùng đồng nghiệp di chuyển gấp xuống nơi có chuyện. Vì nhà máy rất lớn nên xe cộ đi lại (chủ yếu là các xe vận chuyển đồ đến, đồ đi, xe bốc hàng,...) rất đông. Việc đi lại bên trong nhà máy sao cho không bị va quệt với những xe này là vô cùng quan trọng. Trong những lúc di chuyển như thế, thường là đi với đồng nghiệp, thông thường vấn đề xảy ra không thể được giải quyết bởi một người. Luôn có vài người có chuyên môn sâu và kinh nghiệm đi cùng. Lối đi thì xuyên từ xưởng này sang xưởng khác, đi qua cửa này rồi lại đi qua cửa kia. Và lối đi thì khá hẹp. Khi di chuyển như vậy, thường là có khuynh hướng thế này: Chúng ta đi theo người dẫn đường đầu tiên. Họ đi thì ta đi, khi họ dừng thì ta dừng. Không chú ý đến xung quanh, mà chú ý đến hành động của người đi trước một cách không ý thức.

Bình thường thì khuynh hướng trên khá đúng. Tuy nhiên, trường hợp sau đây là đáng sợ hơn cả:
Bạn đi sau một người, và cả hai đang chuẩn bị băng qua một chiếc cửa, nối với xưởng bên cạnh. Đúng lúc đó thì có xe chở hàng chạy tới (thường thì trong nhà máy, xe chở hàng được ưu tiên đi trước, bạn phải dừng đợi xe đi rồi mới được đi). Trớ trêu thay, vì lối đi của 2 người khá hẹp, bên cạnh lại là bức tường của xưởng khác, do vậy bạn-là người đi sau không thể nhận ra rằng có một chiếc xe đang đến. Người đi trước bạn, họ nhận ra có xe sắp đi tới và đã cố vượt qua chiếc cửa đó một cách an toàn. Bạn, trong khi đó, là người đi theo, không hề mảy may, bạn đang trên đà đi theo sau người này, và băng qua cửa một cách thiếu cẩn tắc. Và thế là booom, bạn và chiếc xe đâm nhau chính diện ở chiếc cổng.

Ở công ty mình, có rất nhiều tai nạn như thế này trong quá khứ. Chính vì thế mà bây giờ có rất nhiều luật được thiết lập nên, làm sao khi đến ngã rẽ người đi phải dừng lại và xác nhận an toàn xung quanh rồi mới được đi tiếp. Bản thân mình, tuy chưa gặp tai nạn như trên, nhưng suýt thì đã từng.
Việc này cũng giống như kiểu khi bạn đang đi bộ, tay cầm chiếc điện thoại bấm bấm, đi sau người khác, khi chuẩn bị băng qua đường, ngẩng mặt lên thì thấy đèn tín hiệu đã chuyển sang đỏ. Và rùng mình khi ô tô chạy sát ngay trước mặt.



Việt Nam có thể đã giống như thế. Bị lệ thuộc vào hướng đi, định hướng của người khác. Đến khi họ thay đổi, hoặc xấu nhất là trở mặt, thì sẽ rất là khó đỡ.

Thiết nghĩ đã đến lúc người Việt tự suy nghĩ, tự đứng lên và đi bằng chính đôi chân của mình. Dùng con mắt tinh thông của chính mình để phán đoán sự việc, sử dụng đầu của chính mình (ko để thằng khác suy nghĩ rồi đưa ra phương án giải quyết cho vấn đề của mình) để suy nghĩ, sử dụng chính đôi tay của mình để làm ra sản phẩm (không phải đi nhập hàng đều, hàng độc từ thằng khác, rồi về hại lại chính người mình).

Trước khi viết bài này, tình cờ có đọc được 1 status của một bác người Nhật, viết về vụ công nhân ở Bình Dương đập phá công xưởng. Bác nói "Sử dụng năng lượng, nhiệt huyết như thế này liệu đã đúng cách chưa? Nếu người Việt chỉ cần sử dụng 1 nửa nhiệt huyết và năng lượng này để đầu tư vào phát triển khoa học kỹ thuật, thì rất có thể Việt Nam đã trở thành một nước phát triển. Với khoa học kỹ thuật phát triển như thế, Trung Quốc cũng sẽ phải nể."

Người Việt hãy đoàn kết, không chỉ những lúc này, mà cả khi hoà bình. Đưa đất nước đi lên bằng trí tuệ, dần thoát khỏi lao động chân tay. Khi làm chủ khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không còn bị "bắt nạt" như hiện tại nữa.

--------------------
14 tháng 5, 2014

Aichi, Japan 
Viết cho một ngày không thể tập trung đầu óc để đọc bất cứ một quyển sách nào, bởi có quá nhiều chuyện đáng để suy nghĩ. Đầu rất nóng, và rất là bất bình!

Friday, May 9, 2014

Làm việc với Toyota sẽ có lợi ?




Vào một buổi nọ, ông ấy lại tới bên cạnh chỗ tôi.
Vẫn với câu nói cửa miệng quen thuộc ”業務監査、業務監査だ” , "Gyomu Kansa" (tạm dịch: tôi lại tới để giám sát công việc của cậu đây).

Để không thất lễ, ở đây xin được gọi ông với cái tên thân mật, ông Yamamoto.
Tóm tắt lại một chút câu chuyện từ gần 1 năm trước. Lúc này sau khi vào công ty, chúng tôi được cử đi thực tập kỹ thuật và nghiệp vụ tại nhà máy ô tô Nagakusa. Cộng với thời gian training nửa năm đầu thì ngót nghét một năm. Có nghĩa là trong suốt năm đầu, chúng tôi chỉ học và thực tập, không hề biết mình sẽ được phân bố vào bộ phận nào trong công ty. Sau 1 năm đó, tôi được phân vào bộ phận quản lí về chất lượng tại Toyota L&F (Toyota Logistic and Forklift). Khi đến đây, tôi ngồi ngay cạnh ông Yamamoto. Lúc đầu vì bỡ ngỡ nên cũng chẳng chuyện trò gì. Qua một thời gian, dần dần những câu chào hỏi, rồi những câu chuyện ngắn giữa tôi và ông bắt đầu. Phải hơn 1 tháng tôi mới biết, ông đã nghỉ hưu và hiện đang làm Senior Advisor cho công ty. 2 tháng sau khi vào làm ở bộ phận này, tôi được cử đi học về nghiệp vụ "chuẩn bị sản xuất" (Production Preparation) cho mẫu xe mới một tháng. Khi quay lại thì được biết ông đã chuyển sang bộ phận thiết kế để làm Advisor bên đó. Tuy vậy, với lí do Gyomu Kansa, mỗi tuần ít nhất một lần tôi lại có cơ hội nói chuyện với ông.
-------

14/03/2014
PM 2:15

- Cậu vẫn làm việc chuyên cần đấy chứ ?
- Vâng, tuần sau tôi có cuộc họp quan trọng với bên kỹ thuật sản xuất
- Xem nào, à, ra là cậu đang làm về...?
- Đúng rồi
- Đó là yếu tố rất quan trọng trong quản lí chất lượng. Hãy tưởng tượng chiếc cửa ô tô khi đóng vào mà khe hở của nó rộng như đốt ngón tay cái, thử hỏi ai sẽ là người mua nó.
- Vâng, đúng thế. Để cho điều đó không xảy ra chính là một phần trong công việc của tôi.

Và ông Yamamoto bắt đầu chuyển đề tài. Lại y chang như mọi lần. Đầu tiên là màn chào hỏi, sau đó là công việc, sau nữa là chuyển sang đề tài khác, và hầu như lần nào cũng kết thúc bằng đề tài du lịch. Ông Yamamoto rất thích du lịch. Dạo này hay đến chỗ tôi nhiều bởi ông đang có kế hoạch đi du lịch Việt Nam từ Bắc vào Nam bằng tàu hoả.

- Hôm trước, cậu đọc bài về Toyota trên Nikkei, nói về chuỗi các công ty cung ứng của Toyota chưa. (Nikkei, một tờ báo nổi tiếng ở Nhật).
- Hình như là có, nhưng có lẽ tôi không còn nhớ kỹ nội dung.
- Cậu biết vì sao các công ty Trung quốc rất thích được làm nhà cung cấp sản phẩm cho Toyota không?
- Tôi biết một chút thôi. Nếu được trở thành công ty cung cấp sản phẩm cho Toyota, họ sẽ có đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình.
- Đúng. Nhưng đó chỉ là một thôi. Cái này thì cậu biết rồi, 工程調査 (Kotei Chosa, ý nghĩa: đi kiểm tra các công đoạn sản xuất), đó là keyword đấy. Để trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho Toyota, có nghĩa là các công ty này phải sản xuất ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn mà Toyota yêu cầu. Cái này thì đương nhiên ai cũng biết. Vậy làm thế nào để có sản phẩm như Toyota yêu cầu?
Nhiều người nghĩ rằng, công ty đó phải có kỹ thuật khá cao. Đúng, nhưng chỉ một phần thôi. Hầu hết các trường hợp, đích thân Toyota sẽ đi chỉ đạo về sản xuất cũng như kiểm định chất lượng sản phẩm ở các công ty này. Rồi cậu cũng sẽ phải đi thôi, ông nói và cười.
Việc được Toyota chỉ đạo là một điều mà các công ty Trung Quốc rất thích. Vì sao?
Vì không những họ nhận được kỹ thuật từ Toyota, những thứ mà nếu ko được hỗ trợ, họ phải mất nhiều năm, thậm chí vài chục năm mới có được. Họ còn nhận được cái danh là đã từng giao dịch với Toyota. Đây là điều mà nhiều công ty Trung Quốc nhắm tới, họ dùng nó để PR khi đi làm ăn với các công ty khác.

Cậu hãy nhớ "nếu muốn đi nhanh, phải chọn con ngựa tốt".

- Thôi, tôi đi đây. Hôm nay mục tiêu của tôi là đi bộ 10000 bước đấy, vẫn còn thiếu nhiều lắm, chắc phải 2 vòng vòng quanh công trường mới đủ.

---------
Qua chuyện này, nhận ra một điều là các công ty của chúng ta vẫn chưa đạt được mức trung bình, có nghĩa là chưa được xét để làm đối tác, trong trường hợp của Toyota hay Denso.
Một khi đạt được mức trung trung bình, có thể các công ty sản xuất của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lớn.
Vậy, làm thế nào để các công ty này đạt được mức trung bình hoặc cao hơn? Đó là câu hỏi mà chúng ta nên đau đầu vì nó.


Viết trong một ngày gió to và đang ngồi trong đoàn tàu Tây Tiến :D (có lẽ bây giờ nó đang ở trên địa phận tỉnh Mie chăng ?)


© VietManh

Tiếng Nhật viết tắt trong công việc: Lợi và bất lợi

Haha, đúng là viết tắt trong tiếng Nhật thật là quá đáng. Ai dịch giùm câu này sang tiếng Anh hộ mình cái.

日現内外仕入先会議

Từ khi bắt đầu tiếp xúc nhiều với tài liệu tiếng Nhật và tiếng Anh chuyên ngành trong công ty, thì thấy người Nhật họ viết tắt giỏi, khá hợp lí, và sử dụng hiệu quả trên đất Nhật. Nó giúp tiết kiệm nhiều thời gian trong nhiều công đoạn.
Có thể nói việc viết tắt này có ưu điểm cực kỳ lớn. Một khi triển khai toàn diện (giả sử trong nội bộ một công ty, một group, hoặc cả ở supply-chain), thì việc giao dịch thông qua văn bản (hoặc đơn giản là gia tiếp công việc hàng ngày) trở nên vô cùng cô đọng súc tích, đủ nghĩa. Vì thế mà trong nhiều văn bản (tổng kết, báo cáo, liên lạc,...), người Nhật dễ dàng gói gọn nội dung trong 1 tờ A4.

Nhưng đó là chuyện nội Nhật. Qua một thời gian làm và quan sát, mình thấy sự "viết tắt" này lại trở thành thứ cản đường, làm chậm đi hoạt động sản xuất, business của các công ty Nhật ở nước ngoài.
Trải qua vài chục năm, có nơi hàng trăm năm, không thể phủ nhận lượng "kiến thức" cũng như "kinh nghiệm" của các công ty Nhật là cực lớn. Hầu hết đều được lưu ở dạng file điện tử (một phần nhỏ các văn bản xa xưa vẫn còn lưu giấy). Và, một khi triển khai kinh doanh, sản xuất ở nước ngoài. Một điều tất-lẽ-dĩ-ngẫu là chúng cần thiết phải được chuyển sang tiếng bản địa (ko phải tất cả, những tài liệu quan trongk có thể bị giữ kín). Họ gặp khó khăn ở đây.
Nói ra thì dài, để kết thúc, xin kể một đoạn hội thoại mà người Nhật hay nói khi đi công tác nước ngoài:
- あそこは日本語が通じないだもんね!
- 多分ね

Tạm dịch thế này,
- Ở đấy chắc người ta không hiểu tiếng Nhật đâu nhỉ?
- chắc thế...

(Chuyện hiển nhiên, ko lo mà học tiếng Anh đi ông - mình ngồi bên cạnh và nghĩ thầm  )




image source: joi-japonin.blogspot.jp

© VietManh

Kiken-Yochi là gì

Đang ngồi làm việc...
- Này, sao mỗi chỗ cậu là lắp đèn LED nhỉ?
Một ông người Nhật rất thân với mình không rõ đi từ đâu tới và hỏi hơi đột ngột.
- Ủa, đèn nào nhỉ?
- Nhìn trên đầu cậu kìa↗
Ngước mặt nhìn lên và nhận ra rằng mình hoàn toàn không để ý tới việc họ đang thử nghiệm thí điểm đèn LED ở trần nhà ngay trên đầu mình. Và ông bắt đầu nói.
- Dame jya (không được rồi). K-Y như thế là chưa thực hiện nhé.
(ở công ty mình K-Y, tiếng nhật Kiken-Yochi, có nghĩa là "dự đoán nguy hiểm trước khi làm một việc gì đó". K-Y là bắt buộc khi bắt tay vào làm một công việc gì trong nhà máy. Trước khi làm, phải xem những yếu tố nào có thể là mối nguy hiểm rình rập)
Ông nói tiếp,
- Khi vào đâu cũng vậy, câu biết không, lúc nào tôi cũng phải xem cửa thoát hiểm của toà nhà ở đâu, đề phòng có gì còn chạy được. Nếu không biết trước, một khi loạn rồi thì cậu sẽ chẳng thể biết đường ra đâu.

Sau đó ông ngồi kể thêm một thôi một hồi về những kinh nghiệm trong an toàn khi làm việc, lẫn cả những kinh nghiệm khi đi công tác và du lịch nước ngoài (với lợi thế từng công tác trên 40 nước trên thế giới, ông có kinh nghiệm trong cả việc diễn tả cảm giác của bạn sẽ thế nào khi máy bay bị hỏng van dầu, và phải bay vòng để xả gần hết nhiên liệu trên bầu trời :D)

- Thôi cậu làm tiếp đi. Tôi đi tuần tiếp.

------------
Thực ra câu chuyện này làm mình nhớ đến vụ sập cầu treo ở Việt Nam hôm vừa rồi. Nếu bạn đọc bài này, lần sau hãy tập K-Y khi làm điều gì đó nhé.

Share cho bạn bè nếu bạn đang nỗ lực để mình và cộng đồng sống an toàn hơn.
Thanks!

Thực hành:



©VietManh

Truyện ngụ ngôn Do Thái: 2 con cá mòi

Chuyện kể rằng, sau khi chinh phục châu Âu, Naponeon đã nói với những người hợp lực với mình tại mỗi nước ở châu Âu rằng "Tôi sẽ ghi nhận công lao của các anh, vì vậy hãy nói những thứ mà các anh muốn".

Người Pháp nói: "Tôi muốn một cánh đồng nho và một công trường sản xuất rượu vang".

Người Đức nói: "Tôi muốn một cánh đồng lúa mạch và một công trường sản xuất bia".

Người Ý nói: "Tôi muốn một cánh đồng lúa mỳ và một công trường sản xuất pasta (mỳ ý)"

Người Do Thái nói: "Tôi chỉ cần 2 con cá mòi"

Vì nguyện vọng của người Do Thái quá đơn giản nên họ đã được như ý muốn. Nhận quà và họ ra về. Người từ các nước khác nghĩ thầm trong bụng "Haiz, nhận quà từ Naponeon mà lại xin một thứ đơn giản và nhỏ bé như vậy, bọn Do Thái đúng là điên rồ". 

Tuy nhiên sau đó Naponeon đã đổi ý, và kết cục là ngoài việc người Do Thái nhận được 2 con cá mòi, các nước khác không nhận được một tẹo gì.



Vài dòng ngắn ngủ về ngụ ý của truyện này:
- Hãy bắt đầu từ những thứ nhỏ. Thực hiện tới cùng. Lặp đi lặp lại chúng. Trải qua thời gian, nó sẽ biến thành một gia tài.
- Dù cho người khác có nói rằng bạn bị hâm hay điên khùng đi chăng nữa, những thứ bạn chắc chắn có trên tay ngày hôm nay chính là cái quan trọng nhất.

______________________________________________________
Ngụ ngôn Do Thái
© VietManh

Monday, May 5, 2014

Người thợ may chân thật

Ở một đất nước nọ đang có một đợt hạn lớn. Đã mấy ngày trôi qua mà trời vẫn không mưa. Cây cối bị cằn khô, gia súc đồng loạt chết vì không có nước để uống. 

Cũng vào lúc này, ở một làng kia, vị trưởng làng nằm mơ một giấc mơ lạ. Trong giấc mơ, vị thánh nói với ông ta rằng " Trong ngày lễ tới, hãy mời người chủ tiệm may đến, hãy để cho ông ta ngồi trên đài và cầu nguyện. Nếu làm như vậy, ta sẽ làm cho trời đổ mưa"

Sáng hôm sau, vị trưởng làng nghĩ lại giấc mơ hôm trước, nhưng chợt suy nghĩ rằng: Người chủ tiệm may kia không những không đọc được tiếng Do Thái, mà ngay cả nội dung sách thánh cũng không nhớ rõ. Làm sao có thể để người này đại diện cho tất cả mọi người và cầu nguyện được. Giấc mơ này không có căn cứ.

Theo qui định, việc cầu nguyện phải được thực hiện bằng tiếng Do Thái. Thời đó, tiếng Do Thái là thứ tiếng nếu không học cẩn thận thì không thể đọc được. Vì thế mà trong làng này, họ triệu tập những người có thể sử dụng được tiếng Do Thái và cầu nguyện. Nhưng trời vẫn không đổ mưa.

Một tuần sau đó, vị trưởng làng lại mơ đúng giấc mơ hôm nọ. Và rồi khi mơ cùng một giấc mơ tới 3 lần, vị trưởng làng nghĩ rằng đây chính là ý nguyện của đức thánh, cho nên đã mời người thợ may kia đến để cầu nguyện. 

Người thợ may kia mang theo thước dây đo mà lúc nào ông cũng dùng để đo quần áo và bước lên đài cầu nguyện.

Thưa đức thánh, tôi làm nghề thợ may này tuy đã 40 năm rồi nhưng chưa một lần lừa gạt người khác, chưa bao giờ làm ăn thất bát với bất kỳ ai.

Ngài hãy nhìn cái thước đo này, nó không thừa thiếu một phân. Tôi đã dùng cái thước đo chính xác này để đo cho mọi người. Ở những tiệm may khác, người ta cố tình làm ngắn thước đi, để khi đo vải, họ cố tình làm ra vẻ đã dùng rất nhiều vải để lấy tiền với giá cao. 

Ở những hàng bán bột, người ta cố tình làm sai lệch chiếc cân để cắt xén bột nhưng vẫn lấy cùng giá tiền. Ở những hàn bán dầu, họ cũng làm việc tương tự như vậy.

Tôi không bao giờ làm những chuyện như thế. Xin mời, nếu như đức Thánh phán rằng tôi là người chân thật trong buôn bán thì hãy làm cho bầu trời đổ mưa."

Người thợ may vừa dứt lời, bầu trời bỗng nổi sấm, và những hạt mưa lớn đổ xuống nền đất khô khan. Mọi người cùng hò reo hoan hỉ. Trận mưa đã cứu cả đất nước. 

Nhìn kỳ tích mà người thợ may đã làm, những người bán hàng khác liền chạy về tiệm nhà và rồi họ sửa lại những cái thước, những chiếc cân, thay mới chúng.

Từ đó, tất cả mọi người trong đất nước đều học theo người thợ may kia, không còn ai lừa dối, không còn ai làm ăn thất đức.

----
Lược dịch bởi Việt Mạnh

Đừng bao giờ buôn bán làm ăn thất đức ngay cả với chính những đống bào của mình.

Xin hãy chia sẻ câu chuyện tới nhiều người để cùng góp tay xây dựng một Việt Nam văn minh, nơi không còn cảnh người Việt làm ăn và lừa gạt lẫn nhau.